Quặm mi : Triệu chứng và các phương pháp điều trị

Quặm mi là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe mắt của cả trẻ em và người lớn. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng của bệnh, nguyên nhân gây ra, cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả.

1. Quặm mi bẩm sinh là gì?

Quặm mi là tình trạng cuộn bờ mi vào trong nhãn cầu, khiến lông mi và da cọ xát với giác mạc và kết mạc, gây ra tình trạng ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng bệnh này thường xuất hiện ở mi mắt dưới và hay gặp ở người lớn (ngoài 60 tuổi) do tiêu mỡ hốc mắt, khiến mắt bị lõm, làm tiền đề cho quặm mi. Đôi khi, bệnh này cũng có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ khi mới sinh ra, còn được gọi là quặm bẩm sinh. Đối với trẻ nhỏ, tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, có thể làm hỏng giác mạc và dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị sớm.

Bệnh có thể khiến mắt hoặc khu vực xung quanh mắt bị mẩn đỏ, kích ứng và trầy xước giác mạc, làm người bệnh khó chịu và đau đớn. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sẹo giác mạc, tăng nguy cơ viêm loét giác mạc, thậm chí là giảm thị lực và mù lòa hoàn toàn.

Tỷ lệ quặm mi bẩm sinh ở trẻ em khoảng 2%. Trẻ có thể khó chịu, dụi mắt, gây viêm kết mạc, trợt biểu mô, và có nguy cơ gây viêm loét giác mạc, dễ dẫn đến sẹo và giảm thị lực. Hiện nay, điều trị quặm mi chủ yếu vẫn là phẫu thuật.

2. Phân biệt quặm bẩm sinh với trẻ bị tắc lệ đạo

Cả hai tình trạng này đều có đặc điểm là mắt có nước mắt kéo dài và ra dử mắt, nhưng tắc lệ đạo không gây đỏ mắt. Khi thăm khám, trẻ không phối hợp và quấy khóc nhiều, khiến bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm với quặm bẩm sinh. Do đó, cần thăm khám kỹ lưỡng và bơm rửa lệ đạo để phân biệt.

 

quặm mi bẩm sinh

3. Phân biệt quặm bẩm sinh với tật hai hàng lông mi

Tật hai hàng lông mi là tình trạng xuất hiện một hàng lông mi thứ hai ngay phía sau hàng lông mi thứ nhất. Hình dáng bên ngoài gần giống với quặm mi. Dị tật này có thể xuất hiện đơn độc hoặc kèm theo các bất thường bẩm sinh khác.

Khi lông mi thường xuyên cọ sát vào giác mạc và kết mạc sẽ dẫn đến nhiều triệu chứng dễ nhận biết của bệnh là:

  • Đỏ mắt
  • Kích ứng hoặc đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng và gió
  • Chảy nước mắt liên tục
  • Đóng vảy cứng ở mi mắt và tiết dịch nhầy
  • Cảm giác cộm có cát trong mắt
  • Đau khi nhìn thấy ánh sáng chói
  • Giảm thị lực

4. Nguyên nhân gây ra quặm mi ở trẻ em và người lớn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở trẻ em và người lớn, bao gồm:

  • Quặm mi bẩm sinh: Bờ mi lộn vào trong, đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc do khuyết tật cấu trúc của sụn mi và tăng sản cơ vòng mi.
  • Quặm mi do tuổi già: Do quá trình lão hóa, khiến các mô nâng đỡ mi bị lỏng lẻo.
  • Quặm mi do co thắt: Xảy ra ở mi dưới do sang chấn hoặc viêm ở mắt.
  • Quặm mi do sẹo: Biến chứng từ bệnh kết mạc hoặc sụn mi.
  • Yếu cơ: Các cơ dưới mắt yếu đi theo tuổi tác.
  • Hình thành sẹo hoặc phẫu thuật trước đó: Biến dạng đường cong bình thường của mí mắt.
  • Nhiễm trùng mắt: Bệnh đau mắt hột có thể dẫn đến quặm mắt.
  • Viêm nhiễm: Co thắt các cơ mí mắt do kích ứng có thể dẫn đến tổn thương giác mạc.

Mức độ quặm mi

  • Mức độ I: Quặm chiếm 1 phần 4 chiều dài bờ mi.
  • Mức độ II: Quặm chiếm 1 phần 3 chiều dài bờ mi.
  • Mức độ III: Quặm chiếm 1 phần 2 chiều dài bờ mi.
  • Mức độ IV: Quặm chiếm 2 phần 3 chiều dài bờ mi đến cả mi.

Mức độ quặm được tính bằng da mi thừa:

  • Độ I: Thừa khoảng ≤ 2mm da mi.
  • Độ II: Thừa khoảng 3mm da mi.
  • Độ III: Thừa khoảng ≥ 3mm da mi.

5. Điều trị và phòng ngừa quặm mi

Điều trị quặm mi bẩm sinh ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể bao gồm việc tra thuốc (dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch kháng sinh như tobrex). Các bác sĩ cũng hướng dẫn bố mẹ trẻ cách vuốt bờ mi để tránh tổn hại giác mạc. Phẫu thuật điều trị được thực hiện tại bệnh viện mắt, tương đối đơn giản, không để lại sẹo. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau phẫu thuật, cần đưa trẻ đến cơ sở nhãn khoa để khám và điều trị.

Đối với người lớn, điều trị thường bao gồm phẫu thuật rút ngắn mi và tạo lại chỗ bám của cơ kéo mi dưới. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc nước mắt nhân tạo và kháng sinh điều trị viêm kết mạc.

Phòng ngừa tình trạng quặm mi:

  • Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
  • Đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc làm việc trong điều kiện nhiều cát, bụi.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt có khả năng gây biến chứng.
  • Cải thiện điều kiện môi trường sống.

Kết luận

Quặm mi không phải là một bệnh hiếm gặp, nhưng cần được điều trị sớm để giảm thiểu biến chứng, bao gồm mất thị lực. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người cao tuổi. Tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu, hãy đến các Bệnh viện Quốc tế VinEyes để được khám và điều trị.